Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

ĐOÀN QUÂN VIỆT NAM ĐI


*Hồi mới lên Gia Lai, làm việc ở phòng Văn Nghệ, Ty Văn hóa Thông tin, ngoài công việc thường xuyên được phân công trong quyết định là quản lý xuất bản và biên tập Tạp chí Văn Nghệ, có một việc đột xuất tôi được phân công là làm thư ký cho cuộc thi sáng tác quốc ca của tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Là cuối năm 1981, quốc hội khóa 6 đã quyết định mở cuộc vận động sáng tác quốc ca mới để thay thế bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã là quốc ca Việt Nam từ năm 1946.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

VỀ BÚT KÝ "THÁP MƯỜI MÙA NƯỚC NỔI" TRONG SÁCH GIÁO KHOA CÁNH DIỀU

 Nhà thơ Lê Văn Vỵ phỏng vấn nhà cháu cho mục Nhà văn với nhà trường của Tạp chí Nhà văn và cuộc sống, hôm nay ông bê về tạp chí Hồng Lĩnh đăng. Nhà cháu lại rước về đây để ai cần thì đọc ạ.

----------


Nhà văn với Nhà trường:

Ngữ văn lớp 6, tập 1 ( Bộ sách Cánh Diều) đã tuyển chọn “ Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của nhà thơ Văn Công Hùng nhằm minh họa cho thể loại Du kí.

Để giúp GV và HS tiếp cận với tác phẩm này, Chuyên mục Nhà văn với Nhà trường ( Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống; Hội Nhà văn Việt Nam) số 16 có cuộc PV nhà thơ Văn Công Hùng xung quanh tác phẩm này!

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

THÚ VỊ “BIA CHIẾN BẠI”

 


Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, nhà nghiên cứu văn hóa ở Gia Lai vừa có bài viết thú vị trên một tờ báo, rằng là “Nên giữ lại “bia chiến bại” của người Pháp ở Đăk Pơ”.

Tôi nhiều lần qua lại nơi đây, là cái huyện Đăk Pơ và cái nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng cách đây vừa tròn 70 năm mà ai học lịch sử phổ thông đều biết, chiến thắng GM.100, tức binh đoàn 100. Nó ngay đầu đèo Mang Yang, ngay bên đường 19. Sau này tôi còn được biết, nhà văn Nguyên Ngọc, khi ấy còn là anh lính trẻ, chính là người đã đi trinh sát cho trận đánh này. Ông đã vào làng S’tơ của ông Núp để tiền trạm, quen ông Núp từ đấy, để sau này gặp lại thì ông có tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” nổi tiếng. Ông Núp thì giữ nguyên tên còn làng thì đổi thành làng Kông Hoa.  Trận đánh GM.100 này hòa cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đã là cú hích quyết định cho việc ký kết hiệp định Giơ – Ne - Vơ cùng năm ấy.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

THÁNG TRI ÂN- Tạp chí Sông Lam số 45, tháng 7- 2024

 


Tháng 7 này, trên khắp nước Việt Nam tổ chức rất nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Nó được coi là tháng tri ân.

Trước hết là tri ân những người con đã bỏ mình vì Tổ quốc. Họ đã hòa máu xương vào đất đai cây cỏ của đất nước, họ tan vào trời xanh, mây trắng, họ hiển hiện trong từng hơi thở nhịp tim mỗi chúng ta hàng ngày hàng giờ.

Tháng này có ngày 27/7, ngày để chúng ta tưởng nhớ và xúc động. Ngày để ta nén mình lại, để thấy mình rõ hơn khi soi mình vào những hương hồn liệt sĩ.

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

NGUYỄN DUY VÀ HUẾ

 

Nhà thơ Nguyễn Duy quê ở Thanh Hóa, giờ sống ở Sài Gòn, nhưng té ra ông rất thuộc Huế.

Nhớ lần gặp ông ở Huế, tôi cậy mình là dân sở tại, nhờ một nữ đồng nghiệp người Huế sống ở Huế chở đi ăn sáng. Trên xe ông là người hướng dẫn, nói quán này như này quán kia như kia, nên ăn quán này chất Huế đậm hơn, rồi sang cà phê này uống để nó “rất Huế”, rồi ông giới thiệu chỗ này chỗ kia ngõ này ngõ kia vân vân. Tóm lại là tôi và bạn đồng nghiệp cứ là nghe ông răm rắp.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

THỨC NGỦ BÓNG ĐÁ

 

Tối hôm qua, về cơ bản vòng loại Euro năm nay đã gần như phân định được các đội vào vòng 16. Khi tôi viết bài này thì chỉ còn 4 cặp đấu cuối cùng, và theo con mắt thông thường thì người hâm mộ đã có thể gọi tên đủ các đội còn lại. Tuy thế, ngay lúc này, nhà thơ Hương Đình nhắn cho tôi: “Áo không làm nên... thầy tu, nhưng Áo đã thắng Hà Lan”, tức ông nói về sự bất ngờ. À đấy, thấy tin nhắn của ông tiến sĩ toán kiêm nhà thơ này mới nhớ, một thời chúng tôi ăn bóng đá ngủ bóng đá.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

OÁI OĂM CHUYỆN THI

 

 

Đang là mùa thi.

Từ thi vào lớp 10 (trường công), tới thi tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi thi đại học.

Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, mấy đời rồi vẫn thế.

Thời cụ Tú đã nổi tiếng vì thi tới 3 lần không đậu, rồi đậu, rồi thêm mấy lần nữa vẫn không đậu, thống kê cụ thi tới tất cả... 8 lần. Nhưng dẫu thi tới 8 lần chỉ đậu một lần thì cụ vẫn là... cụ Tú Xương, một người cực kỳ nổi tiếng về văn chương, về cuộc đời, và cái sự thi 8 lần kia nó chỉ là gia vị thêm cho sự nổi tiếng. Câu thơ của cụ: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” chẳng đã từng làm hàng triệu người thảng thốt.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

CƠM TREO...

 

Thời gian gần đây cái từ “cơm treo” dày đặc trên các báo. Nó là một mô hình tự phát đầy tính nhân văn, đậm nghĩa đồng bào và hết sức cảm động của việc trao gửi yêu thương giữa thời buổi sôi đặc sự kiện và người người nhà nhà tấp nập bận rộn này.

Tôi nhớ, cái hồi Huế bị lụt, cái cơn lụt rất nặng tầm hai chục năm trước ấy, giữa chợ Bến Thành xuất hiện một cái thùng với mấy chữ viết vội: Chia sẻ với bà con bị lụt ở Huế. Và không ai bảo ai các chị tiểu thương ở chợ tự giác bỏ tiền vào đấy để gửi về Huế. Tôi xem tivi và đã khóc ròng, vì phía Huế ấy có nhà tôi cũng đang lút bum.

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

MIỀN TÂY MÙA KHÁT (bản full)

Tôi vừa có chuyến phượt miền Tây khá dày ngày, lộn đi lộn lại mấy tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre... đi giữa những ngày nắng nóng nhất, không chỉ ở thành phố, mà về các miệt vườn, về vùng sâu vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao, cồn, cả đi xe và đi thuyền... và chứng kiến cái hạn, cái thiếu nước ngọt vùng này.

Rồi về nhà, đọc báo, liên tục trên các báo trong nước đưa tin cơ quan này đoàn thể kia tặng nước ngọt cho dân. Hôm qua một tờ báo đưa tin một đơn vị công an tặng hàng ngàn bình nước ngọt cho dân vùng khát. Nó chỉ là những bình nước 2 đến 5 lít chứ không nhiều nhặn gì, hình dung mỗi nhà tằn tiện với những bình nước như thế để qua ngày dưới cái nắng nóng đổ lửa miền Tây những ngày này.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

KINH TẾ VÀ VĂN CHƯƠNG - NGHỆ THUẬT, thử bàn...

Sự tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong thời gian vừa qua là điều không thể phủ nhận, tuy thế, đấy là sự tăng trưởng kinh tế nóng. Nó khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng, rất rộng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình mới, nên khi áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, mà chủ trương phải tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trước đây dẫn tới hệ quả tận bây giờ là một ví dụ...

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

VỀ SỰ VÔ CẢM

 

Lại vừa có thêm một vụ học sinh đánh bạn rất dã man xảy ra ở huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cháu bé lớp 7 bị đánh tơi tả, sau đó còn bị lột quần áo rồi quay clip tung lên mạng. Và nhờ clip này, và những clip như này mà gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và xã hội mới biết có những vụ như thế.

Thôi cái chuyện các cháu đánh nhau, có thể coi là như cơm bữa thì ai cũng biết rồi, ai cũng lên án rồi, nhà trường và các cơ quan chức năng vào cuộc rồi, và, điều này ai cũng thấy, những việc như thế nó không những không giảm mà có vẻ như vụ sau hung hăng hơn, dã man hơn vụ trước.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

AI CHO SƯ YÊN TĨNH?

 

Bài này tôi viết cách đây hơn 10 ngày, lúc mà câu chuyện về sư Minh Tuệ chưa cao trào như những ngày sau đấy. Trực tiếp TBT Tạp chí Sông Lam đặt, mà tạp chí thì không nhanh như báo mạng, tháng ra 1 số. Nhưng hôm nay đọc lại, thấy vẫn mới và thời sự, có chi mô nơ?

------------

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

NHỚ NINH BÌNH

 

Bài trên báo Ninh Bình quê ngoại, hình như trong số đặc biệt kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới,  bèn sướng mà đăng lại ở đây.

Trong lý lịch cá nhân, mẹ tôi khai: “Năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở xã Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình, sau đó đi thoát ly, làm ở công binh xưởng”. Còn trong câu chuyện, thời cả nhà tôi đang sống ở Thanh Hóa, mẹ tôi hay kể: bà làm việc trong một xưởng quân giới, nhiệm vụ là... hàng ngày đi quét phân dơi về chế tạo thuốc súng. Bà tả cái xưởng quân giới ấy ở trong hang, chế tạo thuốc súng rất đơn sơ, và thử thuốc súng còn đơn sơ hơn nữa, thương vong rất nhiều.

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

HÒA BÌNH

 


Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy thay cho cách gọi của chúng ta lâu nay.

Hòa bình nó mới là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người.

Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng, mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Chỉ tiếc, để tới hiện thực ấy, biết bao máu xương đã đổ.

Chả cứ mình dân tộc ta đâu, nhiều dân tộc cũng bị thế.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

NHỮNG CÁI TÊN XƯA

 

Đang có chủ trương lớn sáp nhập các địa phương. Nước ta chỉ nguyên chuyện loay hoay nhập tách là đã đủ mệt rồi, nhưng thôi, nhiều người bàn chuyện này rồi, có người còn bảo giờ 4.0, sắp tới là... 1000.0, thì điều hành có phải theo diện tích theo dân số đâu, mà theo cái click chuột. Nhà cháu cũng... không quan tâm dù thấy rất có lý. Nhà cháu băn khoăn và bàn về những cái tên làng, những địa danh có từ hàng trăm, thậm chí ngàn năm đang bị cơ học hóa, bị vô nghĩa, bị ghép rất lý tính...

Bài đã đăng ở mục Đa chiều báo Người đưa tin

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

VĂN HÓA TÂY NGUYÊN THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG

 


Bao giờ và ở đâu cũng thế, thách thức giữa văn hóa và phát triển kinh tế luôn là những vấn đề nóng để xã hội phát triển cân bằng. Trong đó, bản sắc văn hóa, cái làm nên hồn cốt dân tộc, làm nên thương hiệu và cũng là niềm tự hào dân tộc, cái làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác, nhất là trong thế giới không biên giới trên không gian mạng hiện nay, luôn là điểm nóng, là sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý. Hòa nhập vào thế giới rất dễ, nhưng để giữ những gì là mình, tất nhiên cái “là mình” tinh túy nhất, tiến bộ nhất, nhân văn và bản sắc... thì là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

PHÚ ĐIỀN

 

Tôi vừa có chuyến đi chơi, nói chữ là “về nguồn” hết sức thú vị.

Ấy là một cú bay Pleiku- Hà Nội giữa những ngày miền Bắc lạnh nhất, thứ mà tôi rất thèm kể từ năm 1975 về quê, rồi định cư ở Tây Nguyên, hàng năm đều cố gắng trước hoặc sau tết làm một cú ngược Bắc để hưởng rét. Rồi từ Hà Nội, cùng mấy văn nhân hợp cạ xuôi Thanh Hóa bằng ô tô, dự đám cưới con anh bạn nhà thơ. Thanh Hóa chính là nơi ba tôi từ Huế ra, mẹ tôi Ninh Bình vào, gặp nhau ở đấy, lập gia đình rồi sinh ra anh em tôi. Nhẽ sẽ tuột về Hà Nội ngay sau đám cưới, nhưng chiều tôi, các bạn đã “lênh đênh” cùng tôi qua mấy nơi đầy ký ức tuổi thơ của tôi, là cái làng Phú Điền, ngay bên quốc lộ 1, nơi ngày xưa nhà máy Diêm của mẹ tôi sơ tán về đấy rồi gia đình tôi sinh sống cho tới năm 1975, rồi xuyên qua Nga Sơn, qua Ninh Sơn, thăm cồn Nổi, ghé Ninh Mỹ, Ninh Bình quê ngoại tôi cho tôi thắp hương ông bà và gặp gỡ bạn văn Ninh Bình.

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

CHUYỆN HAI CON ĐÈO

 Báo Gia Lai vừa đưa tin: "Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên sẽ về đích vào tháng Sáu" không biết năm nào, thôi cứ hy vọng năm... sau.

Nhà cháu đưa lại bài viết trên báo "Người đưa tin" mấy hôm trước, về 2 con đèo nằm trên dự án này. Và mới thấy té ra, con đường nó không chỉ là con đường, nó còn là văn hóa, là nhiều thứ nữa liên quan đến đời sống, không chỉ để đi, mà còn vận hành đời sống và chiêm ngẫm đời sống, làm phong phú thêm đời sống, cái đời sống đáng sống không chỉ nhờ thẳng băng những con đường, mà còn cả những khúc quanh, những bí ẩn, những mịt mờ, nó thuộc một phạm trù khác, phạm trù tâm hồn, ký ức, lịch sử...

Chao ơi các nhà thiết kế giao thông của chúng ta, họ đã cố gắng ì ạch bạch hóa trắng phớ những con đèo...

----------

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

LAN MAN VỀ VĂN HÓA XƯA NAY

 


Đang có chiến dịch “Chấn hưng văn hóa” rất lớn được toàn Đảng toàn dân quan tâm. Và Bộ Văn hóa đã kịp “vật chất hóa” nó ra bằng số tiền ba trăm năm mươi ngàn tỉ xin được cấp để chấn hưng.

Vấn đề là, tiền nhiều liệu có chấn hưng được văn hóa.

Thực ra thì đúng là rất khó, bởi nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì, nhưng tiền nhiều chắc gì đã có văn hóa mà thực tiễn hàng ngày chúng ta đã chứng kiến. Mới nhất là ở một ngôi đình cổ ở ngay Hà Nội, người ta đã “chấn hưng” nó bằng cách vôi ve lòe loẹt lên, rất lòe loẹt, rất rẻ tiền, rất xanh đỏ tím vàng... và rồi lại phải bỏ công bỏ của ra biến nó thành... như cũ. Thiếu gì ông bà đi xe sang hạ kính xuống nhổ toẹt xuống đường, hoặc dắt chó đi dạo thực chất là cho nó ra phố đi... vệ sinh.

Phải thẳng thắn thành thật mà nhìn thẳng, mà nói thật với nhau rằng là, văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, đang khủng hoảng rất nặng, ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

VỚI BẠN VĂN CẦN THƠ


1. Năm nào đó, lâu lâu rồi, ba anh em chúng tôi, một từ Hà Nội là nhà văn Sương Nguyệt Minh, một từ Gia Lai xuống là tôi và người thứ ba là nhà thơ Lương Hữu Quang từ Sài Gòn, nghỉ đêm ở Cần Thơ. Ba đứa chọn một quán hải sản bên bờ sông và cùng mở điện thoại tìm bạn văn Cần Thơ. Cái thói dân văn chương là thế, tới đâu cũng tìm cách bắt sóng với nhau, dẫu trước đấy chưa hề quen. Nhưng hôm ấy, quái lạ, tìm mãi chả ra ai. Gọi ngược ra Hà Nội cho nhà văn Nguyễn Thế Hùng, khi ấy đang là thư ký toàn soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân đội để hỏi. Sở dĩ gọi Nguyễn Thế Hùng bởi anh nguyên là lính ở đất này dẫu dân Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh là lính pháo chi đó, nhưng viết văn rồi được cử đi học viết văn Nguyễn Du rồi về Tạp chí Văn Nghệ quân đội. Anh cho mấy cái tên, nhưng rồi vì cũng muộn, chúng tôi quyết định chỉ ba đứa ngồi với đêm Cần Thơ.