Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

NHỮNG CÁI TÊN XƯA

 

Đang có chủ trương lớn sáp nhập các địa phương. Nước ta chỉ nguyên chuyện loay hoay nhập tách là đã đủ mệt rồi, nhưng thôi, nhiều người bàn chuyện này rồi, có người còn bảo giờ 4.0, sắp tới là... 1000.0, thì điều hành có phải theo diện tích theo dân số đâu, mà theo cái click chuột. Nhà cháu cũng... không quan tâm dù thấy rất có lý. Nhà cháu băn khoăn và bàn về những cái tên làng, những địa danh có từ hàng trăm, thậm chí ngàn năm đang bị cơ học hóa, bị vô nghĩa, bị ghép rất lý tính...

Bài đã đăng ở mục Đa chiều báo Người đưa tin

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

VĂN HÓA TÂY NGUYÊN THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG

 


Bao giờ và ở đâu cũng thế, thách thức giữa văn hóa và phát triển kinh tế luôn là những vấn đề nóng để xã hội phát triển cân bằng. Trong đó, bản sắc văn hóa, cái làm nên hồn cốt dân tộc, làm nên thương hiệu và cũng là niềm tự hào dân tộc, cái làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác, nhất là trong thế giới không biên giới trên không gian mạng hiện nay, luôn là điểm nóng, là sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý. Hòa nhập vào thế giới rất dễ, nhưng để giữ những gì là mình, tất nhiên cái “là mình” tinh túy nhất, tiến bộ nhất, nhân văn và bản sắc... thì là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

PHÚ ĐIỀN

 

Tôi vừa có chuyến đi chơi, nói chữ là “về nguồn” hết sức thú vị.

Ấy là một cú bay Pleiku- Hà Nội giữa những ngày miền Bắc lạnh nhất, thứ mà tôi rất thèm kể từ năm 1975 về quê, rồi định cư ở Tây Nguyên, hàng năm đều cố gắng trước hoặc sau tết làm một cú ngược Bắc để hưởng rét. Rồi từ Hà Nội, cùng mấy văn nhân hợp cạ xuôi Thanh Hóa bằng ô tô, dự đám cưới con anh bạn nhà thơ. Thanh Hóa chính là nơi ba tôi từ Huế ra, mẹ tôi Ninh Bình vào, gặp nhau ở đấy, lập gia đình rồi sinh ra anh em tôi. Nhẽ sẽ tuột về Hà Nội ngay sau đám cưới, nhưng chiều tôi, các bạn đã “lênh đênh” cùng tôi qua mấy nơi đầy ký ức tuổi thơ của tôi, là cái làng Phú Điền, ngay bên quốc lộ 1, nơi ngày xưa nhà máy Diêm của mẹ tôi sơ tán về đấy rồi gia đình tôi sinh sống cho tới năm 1975, rồi xuyên qua Nga Sơn, qua Ninh Sơn, thăm cồn Nổi, ghé Ninh Mỹ, Ninh Bình quê ngoại tôi cho tôi thắp hương ông bà và gặp gỡ bạn văn Ninh Bình.

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

CHUYỆN HAI CON ĐÈO

 Báo Gia Lai vừa đưa tin: "Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên sẽ về đích vào tháng Sáu" không biết năm nào, thôi cứ hy vọng năm... sau.

Nhà cháu đưa lại bài viết trên báo "Người đưa tin" mấy hôm trước, về 2 con đèo nằm trên dự án này. Và mới thấy té ra, con đường nó không chỉ là con đường, nó còn là văn hóa, là nhiều thứ nữa liên quan đến đời sống, không chỉ để đi, mà còn vận hành đời sống và chiêm ngẫm đời sống, làm phong phú thêm đời sống, cái đời sống đáng sống không chỉ nhờ thẳng băng những con đường, mà còn cả những khúc quanh, những bí ẩn, những mịt mờ, nó thuộc một phạm trù khác, phạm trù tâm hồn, ký ức, lịch sử...

Chao ơi các nhà thiết kế giao thông của chúng ta, họ đã cố gắng ì ạch bạch hóa trắng phớ những con đèo...

----------

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

LAN MAN VỀ VĂN HÓA XƯA NAY

 


Đang có chiến dịch “Chấn hưng văn hóa” rất lớn được toàn Đảng toàn dân quan tâm. Và Bộ Văn hóa đã kịp “vật chất hóa” nó ra bằng số tiền ba trăm năm mươi ngàn tỉ xin được cấp để chấn hưng.

Vấn đề là, tiền nhiều liệu có chấn hưng được văn hóa.

Thực ra thì đúng là rất khó, bởi nếu không có tiền thì sẽ không làm được gì, nhưng tiền nhiều chắc gì đã có văn hóa mà thực tiễn hàng ngày chúng ta đã chứng kiến. Mới nhất là ở một ngôi đình cổ ở ngay Hà Nội, người ta đã “chấn hưng” nó bằng cách vôi ve lòe loẹt lên, rất lòe loẹt, rất rẻ tiền, rất xanh đỏ tím vàng... và rồi lại phải bỏ công bỏ của ra biến nó thành... như cũ. Thiếu gì ông bà đi xe sang hạ kính xuống nhổ toẹt xuống đường, hoặc dắt chó đi dạo thực chất là cho nó ra phố đi... vệ sinh.

Phải thẳng thắn thành thật mà nhìn thẳng, mà nói thật với nhau rằng là, văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, đang khủng hoảng rất nặng, ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

VỚI BẠN VĂN CẦN THƠ


1. Năm nào đó, lâu lâu rồi, ba anh em chúng tôi, một từ Hà Nội là nhà văn Sương Nguyệt Minh, một từ Gia Lai xuống là tôi và người thứ ba là nhà thơ Lương Hữu Quang từ Sài Gòn, nghỉ đêm ở Cần Thơ. Ba đứa chọn một quán hải sản bên bờ sông và cùng mở điện thoại tìm bạn văn Cần Thơ. Cái thói dân văn chương là thế, tới đâu cũng tìm cách bắt sóng với nhau, dẫu trước đấy chưa hề quen. Nhưng hôm ấy, quái lạ, tìm mãi chả ra ai. Gọi ngược ra Hà Nội cho nhà văn Nguyễn Thế Hùng, khi ấy đang là thư ký toàn soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân đội để hỏi. Sở dĩ gọi Nguyễn Thế Hùng bởi anh nguyên là lính ở đất này dẫu dân Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh là lính pháo chi đó, nhưng viết văn rồi được cử đi học viết văn Nguyễn Du rồi về Tạp chí Văn Nghệ quân đội. Anh cho mấy cái tên, nhưng rồi vì cũng muộn, chúng tôi quyết định chỉ ba đứa ngồi với đêm Cần Thơ.

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

ĐÀ LẠT- NHỮNG BÔNG HOA MÃI NỞ.

Báo Lâm Đồng tết Giáp Thìn 2024.

Nói gì thì nói, tôi vẫn đánh giá rất cao Đà Lạt ở việc nó có bản sắc riêng và giữ được bản sắc ấy.

Hai bản sắc rõ nhất của Đà Lạt mà đã tới là phải nhớ và về thì rất lâu quên, là dốc, những con ngõ dốc, và hoa.

Bắt đầu là những ngoắt ngoéo phố và dốc.

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

XỨ THANH CHẬP CHỜN... TẾT

 

Lũ bạn học cấp ba Hậu Lộc của tôi đang í ới nhắn ra họp lớp. Thời chúng tôi học, phải đội mũ rơm, có túi cứu thương đeo bên mình, có hồi học ở lớp đào chìm dưới đất, có tường đất như con đê bao quanh để tránh bom. Đèn dầu cho vào ống luồng khoét một phía để hạn chế ánh sáng.

Nhiều đứa đi bộ đội ngay khi đang học, có đứa đi từ hồi lớp bảy (hệ mười), đa phần là lên cấp ba, đi khá nhiều.

Giờ nghe chúng nhắn, chúng gọi, cả một trời ký ức xứ Thanh ùa về.

Nhưng những cái tết thời bao cấp khiến tôi nhớ nhất. Nó, dẫu giờ nghĩ lại, thấy sự khốn khổ, sự thiếu thốn, sự chắt chiu, nhưng vẫn trong veo kỷ niệm.

Tôi khi ấy học cấp một, nhà ở khu tập thể nhà máy Diêm 3-4 sơ tán trong khu rừng trám và sở của xã Châu Lộc, lên cấp hai và ba thì chuyển về xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

“NHỮNG ĐỨA CON VĂNG NHƯ MẢNH ĐẠN”

 

Báo Tết Nghệ An 2024.

Tôi có nhiều bạn bè văn chương nghệ sĩ là người Nghệ, được chơi với họ và được họ chơi, đã mấy lần viết trên báo Nghệ An về họ, mà thấy vẫn chưa đủ, bởi đấy là những người đã quá nổi tiếng, là vua biết mặt chúa biết tên, những là Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, những là Lê Huy Mậu, Văn Như Cương vân vân. Họ là Nghệ chính thống, thứ thiệt. Nhưng còn những... mảnh vỡ Nghệ nữa. Họ là Nghệ trôi dạt, không phải ngược thủ đô, mà tản đi nhiều nơi, nhưng trong họ vẫn luôn luôn sùng sục dòng máu... Nghệ. Họ cũng làm nên những góc Nghệ, mảnh Nghệ hòa chung vào dòng chảy Nghệ.

Và cái đầu đề bài báo này đầu tiên nó khác kia, trăn đi trở lại, cuối cùng, câu thơ của cố nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trần Cương bật ra, và tôi lấy làm đầu đề cho bài viết, như một cách nhớ về nhà thơ cực tài hoa và đầy cá tính, người viết nên “Trầm tích” của riêng xứ Nghệ.

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

KÝ ỨC MẶN NỒNG VÀ RỰC ĐỎ

 


Năm 1992 thì phải, nhà cháu in tập thơ đầu tay, tập Bến Đợi. Về thăm nhà mang theo, thi thoảng nghía cho sướng. Đi xe đò từ Pleiku về Huế xong xuống đò chợ Đông Ba về quê.

Khi lên, ngồi buồn, đò lạch xạch chạy, lại lôi sách ra ngắm. Một thằng trông rất... nông dân xịch lại: Anh là VCH à. Chính hắn đây, có chi hơm?

Té ra hắn ở cách làng nhà cháu 1 làng. Hắn hỏi xin một tập thơ. OK sẵn sàng, thơ đang... ế he he.

Hắn có xe máy hay xe đạp chi đó, lên bến chợ Đông Ba bảo anh mời em ăn trưa, em chỉ quán đi. Ý là cán bộ đãi sinh viên. Hắn lại nghĩ mình vẫn... sinh viên, dẫn vô quán sinh viên. Hắn ăn ngon lành, nhà cháu uể oải vì... ngại quá.

Xong bảo hắn, chiều làm gì không? Dạ có làm gì cũng bỏ. Thế thì đi với anh.

Thế là dẫn hắn vô nhà ông Nguyễn Trọng Tạo. Ông Tạo kêu thêm mấy ông nữa, mời nhà cháu nhậu. Tất nhiên có hắn. Chắc lần đầu tiên hắn ngồi với mấy ông kễnh nớ, và chắc cũng ngạc nhiên lắm, bởi thấy té ra các ôn nớ nhậu thì cũng... như người thường, nói tục hơn người thường nữa hihi. Nhà cháu quên hôm nớ nhậu món chi rồi, nhưng thấy hắn vừa “hồi ký” lại trên phây hắn, là hôm ấy sơn hào hải vị với hắn.

Rồi hắn thành nhà báo nổi tiếng của Huế và nhà văn nổi tiếng quốc gia. Sách bán chạy như... vé máy bay ngày tết.

Báo TTH đặt bài tết nhà cháu, mới đọc fb của hắn, bèn có tư liệu viết bài này, he he, coi như ăn lại hắn một cú, có chi mô nơ?

-----------

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

 

Nước ta vừa kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ nhạc sĩ họa sĩ thiên tài Văn Cao. Thực ra tôi cố tránh cái từ thiên tài, nhưng quả là với người nước Nam ta, gọi Văn Cao là thiên tài chắc không có gì sái, huống gì trước tôi, và trong dịp kỷ niệm một trăm năm sinh Văn Cao vừa qua, nhiều người đã dùng.

Tất nhiên tôi biết, cũng nhiều người chê ca từ của “Tiến quân ca” nó... hiếu chiến quá, nó máu xương quá vân vân. Nhưng rõ ràng nó có nguyên do của nó, rằng lúc ấy người ta yêu cầu ông sáng tác như thế, lúc ấy yêu cầu cụ thể là thế, và như thế nó phù hợp hoàn cảnh. Sau này khi được chọn nó lại khác. Chả thế mà có hẳn cuộc vận động sáng tác quốc ca mới, rộn ràng các kiểu, tốn kém cả kinh phí và thời gian, chất xám và cả quan hệ nghĩa tình vân vân, cuối cùng vẫn là... “tiến quân ca”.

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

TIỀN VÀ BẠC

Bài đăng tạp chí Đầu tư Tài chính số xuân Giáp Thìn 2024.

Dân Việt Nam ta từ xưa có quan niệm “đói cho sạch rách cho thơm”. Nghe nói quan niệm này được “thấu triệt” từ các nhà nho rồi lan tỏa trong dân chúng,  những dân chúng một thời luôn luôn đói nhưng luôn lấy các nhà nho làm gương, theo các nhà nho mà hành xử trong đời sống. Và chính bản thân các nhà nho, chủ yếu là các ông thầy ấy, cũng rất đói. Nhưng đói gì thì đói, ra đường là phải nho nhã, nghiêm ngắn. Nên từng có chuyện ăn khoai luộc trừ bữa nhưng cũng... ngậm tăm xỉa răng như ăn thịt.

NHỮNG MÙA HOA MÊ MẢI

 

Bài trên báo Gia Lai số tết Giáp Thìn 2024

Mà hình như cũng chưa ai cắt nghĩa xem tại sao cái núi này lại có tên như một loại gừng của người Jrai. Cũng lang thang nhiều, tôi chưa thấy người Jrai dùng gừng vào việc gì, và nó có hiện diện trong đời sống của họ không? Người Kinh, gừng làm vài việc chính: mứt gừng, nước mắm gừng (chấm thịt vịt và bò luộc), ngâm rượu cho bà đẻ...

Thế rồi giờ, như bừng tỉnh, Chư Đang Ya thành “rốn” dã quỳ, là nơi tổ chức lễ hội dã quỳ hàng năm.

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

CẦM NHAU MÀ ĐI

 

 Bài của TS Trịnh Thu Tuyết viết về bài thơ "Cầm nhau mà đi" của nhà cháu. Theo nhà cháu, chị đã đọc được hết những gì nhà cháu có trong bài thơ, thậm chí vượt ra ngoài nữa. Và đấy là điều rất thú vị. Một bài viết rất hay ạ.

 

CẦM NHAU MÀ ĐI

 

Tây Nguyên tháng ngày nhạt nhoà mưa nắng
con sông viên đá cuội cựa mình
chiều như bão rớt
những con đường lạc nhau

những mùa cỏ xanh
những vùng lá chết
tôi có em những đêm một mình mất ngủ
vút nỗi buồn chênh vênh

tiếng người chơi vơi
ngôi nhà treo đầy gió
giọt nước khô như số phận
bước chân nào lấn bấn tìm nhau

 

 

Tây Nguyên một đời
một người chờ đợi
tôi gặp bụi cỏ lông chồn
vươn giữa chiều thông trắng
rơi nỗi mình chưa kịp tiếc
cầm nhau mà đi…

những ngọn lau xơ xác đến nghẹn lòng
núi cứ thẫm như là không phải thế
tận cùng im lặng
như tiếng gì thanh thản vọng lên...

 

2015

Văn Công Hùng

Tác phẩm khi còn nằm trong máy tính, nó là của riêng nhà thơ, còn khi đã xuất bản, đã phát hành, mỗi người tiếp nhận sẽ tự mình “đọc” ra một phiên bản mới, thậm chí độc lập với chính nhà thơ. Và nhất là với những bài thơ của tác giả Văn Công Hùng, những bài thơ thường được chắp nối tài hoa bởi những mảnh ghép, những “chợt”, những khoảng khắc huyền diệu chỉ có thể lí giải bằng hai chữ “trời cho”, tôi không có ý định, đúng hơn là không thể giải mã hay cắt nghĩa, bởi nhiều khi tôi còn nghĩ: có những điều, những cảm xúc, những tứ thơ hay câu chữ, chính nhà thơ cũng bất ngờ “nhặt được” đâu đó trong cõi mơ hồ của tiềm thức, trong sự mách bảo huyền diệu của những cái người đời hay gọi là “ẩn ức”, sự “nhặt được” oà nhập vào niềm rung cảm run rẩy trong trái tim nhà thơ mà thậm chí chính họ không bận tâm lí giải! Và vì thế, tôi cũng chỉ đọc bài thơ theo mạch cảm nhận của riêng mình, tất nhiên xuất phát chính từ cấu trúc ngôn từ ma mị, mơ hồ của một văn bản đẹp. Dù cách đọc ấy có thể xa lạ với chính nhà thơ!

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

ĐỌC VÀ GIẢI NÉN MỘT BÀI THƠ HAY- Nguyễn Văn Thắng bình bài thơ "Cầm nhau mà đi".

 


Lời bạt:

Tôi là kỹ sư công nghệ chế tạo máy, đọc và giải nén một bài thơ hay.

(Từ chuyên môn của cơ khí gọi là giải nén. Vì bài thơ có 16 câu, mà tôi giải nén, cho bung ra đến 5 trang giấy khổ A4)

Ngẫu nhiên đọc được bài thơ trên trang fb của nhà thơ Văn Công Hùng, thấy hay hay, bèn giải nén để hiểu tường tận nội dung, tư tưởng và ý nghĩa của bài thơ. Tôi viết bài giải nén này, là bài giải cho cháu tôi tham khảo học tập (cháu tôi đang học lớp 10, tôi giao bài thơ này cho cháu làm bài tập, nhưng cháu không giải nổi), đồng thời chia sẻ cho bạn đọc và gởi tặng nhà thơ Văn Công Hùng đọc, xem có gì xin bổ khuyết.

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

KỸ SƯ CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO MÁY BÌNH THƠ "CẦM NHAU MÀ ĐI

 

ĐỌC VÀ GIẢI NÉN MỘT BÀI THƠ HAY

Lời bạt:

Tôi là kỹ sư công nghệ chế tạo máy, đọc và giải nén một bài thơ hay.

(Từ chuyên môn của cơ khí gọi là giải nén. Vì bài thơ có 16 câu, mà tôi giải nén, cho bung ra đến 5 trang giấy khổ A4)

Ngẫu nhiên đọc được bài thơ trên trang fb của nhà thơ Văn Công Hùng, thấy hay hay, bèn giải nén để hiểu tường tận nội dung, tư tưởng và ý nghĩa của bài thơ. Tôi viết bài giải nén này, là bài giải cho cháu tôi tham khảo học tập (cháu tôi đang học lớp 10, tôi giao bài thơ này cho cháu làm bài tập, nhưng cháu không giải nổi), đồng thời chia sẻ cho bạn đọc và gởi tặng nhà thơ Văn Công Hùng đọc, xem có gì xin bổ khuyết.

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

KỸ SƯ NGUYỄN VĂN THẮNG BÌNH BÀI THƠ "TRỞ VỀ" VĂN CÔNG HÙNG

 Vẫn là ông kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Thắng, bạn phây của nhà cháu, chưa gặp nhau ngoài đời, đọc thơ nhà cháu trên phây, rồi còm công phu và hết sức trân trọng ạ. Xin cám ơn bạn Nguyễn Văn Thắng.

 

Xin nhớ, đây là cảm nhận của một bạn đọc yêu thơ làm nghề xây dựng

----------

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

LÊN HÀ GIANG GẶP... NGUYÊN NGỌC

 

Hôm sau tôi tìm Thào Thu Nga, và cô đưa cho tôi một xấp ảnh, mới biết và rõ một Thào Thị Mỷ bằng xương bằng thịt.

Nhiều báo, và cả nhà văn Nguyên Ngọc, Tô Hoài, viết bà là Thào Thị Mỹ, nhưng tên đúng của bà là Mỷ. Tôi xem chồng ảnh và chụp lại mấy bức, có bức  bà hồi trẻ, trời ơi là đẹp, ngồi trong hội đồng xét xử vụ phỉ bạo loạn Hà Giang, vụ mà vì nó nhà văn Nguyên Ngọc được cử lên tiễu phỉ, và gặp Thào Mỷ rồi viết cái “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” ấy, ảnh nhà văn Nguyên Ngọc gặp lại bà Thào Mỷ sau ba mươi năm “mối tình đầu” ấy, ông bà chụp cái ảnh giữa chợ Mèo Vạc, và trời ạ, vẫn bẽn lẽn lắm. Và chụp  cái thẻ Đảng của bà.

------------------

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

GIẤC MƠ MÙA ĐÔNG

 Nhà cháu mới biết anh Nguyễn Văn Thắng là kỹ sư cơ khí, ham đọc thơ và bình cho con học thì phải. Anh liên tục bình mấy bài thơ đăng trên phây của nhà cháu, mà theo anh tự nhận là bình kiểu... sơ khí, chẻ hoe ra, đầu mình tứ chi ra, bổ máy ra, ốc vít ra vân vân. Nhưng đọc rất thú vị.

 

Nghĩ cho cùng, mần thơ mà có bạn đọc, rồi lại còn ngồi kỳ công bình, thì bèn thặc, đời con gì hơn, phỏng ạ?

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

CHUYỆN VUI VỀ CÁC NHÀ THƠ NGHIỆN... THƠ

 

Phàm là nhà thơ thì tiêu chuẩn đầu tiên, phẩm chất đầu tiên, điều kiện đầu tiên..., là phải... nghiện thơ. Nhưng cái sự nghiện ấy, không phải ai cũng như ai, nó cũng có cấp độ như kiểu nghiện cao, nghiện vừa và nghiện thấp.

Xin nhận luôn, tôi thuộc loại... nghiện thấp. Có 2 lý do, một là tôi ít thuộc thơ mình, và hai, cứ trước đám đông là tôi... tỉnh, và tỉnh thì luôn nghĩ đám đông kia không thích thơ, mình đọc thì quá bằng tra tấn họ. Thế nên đa phần là tôi tránh, và vì tránh tôi thường lui vào góc nào đấy, ngồi... ngắm các nhà thơ, xem và nghe họ đọc thơ.

Và mới phát hiện, các nhà thơ nghiện thơ mỗi người một vẻ.